Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

 Ẩm thực
Cuộc sống của người Tày thường gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ở vùng có rừng, sông, suối, đồi núi bao quanh.
Đó là thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, đậu, đỗ cùng các loại rau quả do trồng trọt trong vườn hoặc hái lượm trong rừng, các loại thuỷ sản như cá, tôm, cua do nuôi thả và đánh bắt ở sông suối, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà, vịt hoặc chim, thú săn bắt ở trong rừng. Thường ngày, người Tày ăn hai bữa: bữa trưa và bữa tối. Cơm hàng ngày là cơm gạo tẻ. Trong mỗi bữa ăn, phổ biến nhất là rau. Cơm để trong nồi, thức ăn bày ra mâm gỗ hay mâm đan, mâm mây. Khi ăn, các thành viên trong gia đình ngồi quanh mâm, trong đó mẹ hay chị em gái thường ngồi ở đầu nồi xới cơm cho cả nhà. Khi có khách thì chủ nhà ăn cơm với khách còn cả nhà ăn cơm riêng.
Món ăn của người Tày
Cơm tẻ:  Cơm là món ăn chính hàng ngày của người Tày. Đổ gạo tẻ vào nồi nấu cùng với nước. Khi nước cạn đem vần nồi cạnh bếp cho đến khi chín.                                      
Xôi: Là món ăn đặc trưng của người Tày. Gạo nếp đồ trong chõ thành xôi. Người Tày thường ăn xôi trắng. Ngoài ra, người Tày còn một số loại xôi khác như: xôi màu, xôi rau ngót rừng, xôi trứng kiến... 
 
Xôi màu
Xôi màu: Gạo nếp được nhuộm thành các màu xanh, đỏ, tím, đen rồi trộng các lọai với nhau thành gạo nhiều màu. Gạo được nhuộm từ nhiều loại lá cây khác nhau như màu tím nhuộm từ lá “cẳm", màu vàng từ hoa “phón” .
Xôi rau ngót rừng: Đồ xôi, bỏ rau ngót thái nhỏ lên miệng khi chín, đổ xôi và rau ngót ra trộn đều, cho thêm gia vị, hành và mỡ.
Xôi trứng kiến: Đồ xôi lẫn với trứng kiến đen lấy từ tổ kiến.
Cơm lam: Là món ăn đặc trưng của người Tày. Trước tiên, người ta ngâm gạo nếp rồi cho vào ống tre non cùng một ít nước, đậy nút kín rồi đem nướng trên lửa hoặc đồ lên cho chín. Để ống tre nguội, bóc vỏ ống để lại lượt áo mỏng bao quanh cơm. Khi ăn, dùng dao xắt thành từng khúc nhỏ.
 
Cá nướng và cá sấy
Cá nướng và cá sấy: Là cách chế biến thường thấy nhất ở người Tày. Cá làm sạch rồi xiên vào que nướng trên lửa. Khi chín, gỡ thịt cá ra chấm với nước chấm. Khi có nhiều cá thì người ta đem sấykhô trên giàn bếp để ăn dần.
Mắm cá và cá chua: Mắm cá chủ yếu làm từ cá nhỏ Mắm cá chủ yếu làm từ cá nhỏ. Cá ướp chua trong vại với thính, rượu để gâymen chua. Cá chua dùng để ăn lâu dài, có thể ăn sống hay nướng, rán.
Thịt lợn tái: Thịt lợn nạc thái mỏng trộn ít muối, vắt chanh vừa đủ cho thịt tái. Món này thường dùng để nhắm rượu.
Thịt gà giò nấu canh gừng, nghệ: Món canh này những người già rất thích ăn vì mềm, bổ và mát.
Canh xinh thang: Thịt nạc băm nhỏ cho vào nước trong, thêm gia vị.
Bánh chưng: đồ lên sẽ được xôi nhiều màu. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo nếp, nhân bánh làm bằng đậu, thịt, hành hoặc lạc. Gạo nếp vo đãi sạch sau đó hoặc bằng lá dong hay lá chuối rồi đem luộc chín. Bánh ăn trong dịp Tết Nguyên đán và tiết xuân.
Bánh dày: Thường làm vào dịp lễ hội, cưới xin. Bánh to, tròn (sì pưởng) thường làm để biếu, bánh nhỏ, trò (sì ăn) làm để nhà ăn hay cúng. Bánh có thể có nhân hoặc không. Nhân bánh làm bằng đậu, lạc, vừng, đường. Có loại bánh được nhuộm đỏ có loại vẽ lên trên bề mặt hình hoa văn bằng phẩm đỏ, vàng. Có loại lại làm bằng bột gạo và lá ngải (pẻng nhả ngài) để ăn vào Tết Thanh minh.

Bánh trôi: Làm vào dịp Tết Đông chí. Bánh làm bằng bột gạo nếp, có thêm gừng, đường phèn. Ăn thơm và ấm.

Pẻng khô, pẻng khoai: Xôi nếp đồ lên trộn với khoai sọ đã luộc chín rồi đem giã và nặn thành từng thanh nhỏ, phơi khô. Khi ăn đem chao trong mỡ hoặc dầu cho bánh nở phồng và giòn, vớt ra nhúng vào nước mật đun sôi, lấy ra để nguội là được.

Một số đồ uống của người Tày      

Thường ngày, người Tày uống nước đun sôi với lá hoặc vỏ cây rừng. Nhưng khi đi rừng, lên nương, người dân thường uống nước khe, nước suối.

Rượu cũng là đồ uống phổ biến của dân tộc Tày, nhưng khác với người Thái và người Mường, người Tày không làm cần mà nấu rượu bằng gạo, sắn, ngô, mật mía.Rượu nếp ủ trong hũ dùng trong dịp 14 tháng 7 âm lịch. Trong các dịp hội, hè lễ tết hợc tiếp khách, người Tày đều phải mời rượu, có khi chỉ là rượu suông.
 
Món tôm chuaMón tôm chua "thứ thiệt"
Từ lâu, cư dân Tày đã biết chế biến món tôm chua, cá chua. Trước đây khi tôm, cá còn nhiều, việc đánh bắt dễ dàng nên ngoài việc làm đồ ăn hàng ngày như luộc, rán, nướng… người dân đã biết chế biến ra món ăn có hương vị rất riêng đó là món tôm chua, cá chua. Những khúc cá to và tôm được trộn mẻ, bột thính, giềng và các gia vị đặc biệt khác rồi bịt kín lại đem ủ, sau một thời gian người dân lấy ra nấu ăn. Tôm cá lúc này ăn rất thơm, mềm có vị chua ngọt riêng.
Hương vị tôm chua Ba Bể cực kì độc đáo sẽ khiến du khách phải xuýt xoa.
Điều đặc biệt ở món cá chua Ba Bể là do ủ lâu nên ngay cả xương cá cũng rất mềm. Vì vậy, khi sử dụng cá chua cho việc nên khi nấu ăn người ta có thể ăn cả xương và thịt không phải bỏ thứ gì. Ngày nay, nghề làm tôm chua, cá chua đang có xu hướng phát triển ở vùng hồ Ba Bể. Dọc theo các triền sông, suối người dân lấy tôm, cá về chế biến. Phải là tôm sông, cá sông mới cho hương vị đậm đà, riêng biệt với các vùng quê khác.
Phải là tôm, cá sông mới cho tôm, cá chua Ba Bể hương vị độc đáo và thơm ngon đặc trưng.

Khi đánh bắt được các mẻ tôm sông, cá sông, người dân lựa chọn những con còn nguyên vẹn, đều nhau, cá thì cắt khúc rồi làm theo quy trình trên và ủ kín. Sau một thời gian, khi tôm cá đã ngấm đủ gia vị, lên men, bỏ tôm chua, cá chua từ hũ ra, chắc hẳn không ai quên được hương vị đậm đà, mùi thơm của giềng, ngọt mềm chua dìu dịu, ăn cùng với cơm nấu bằng gạo nương thì người khó tính nhất cũng phải gật gù và thốt lên ăn không biết chán.

Vị tôm chua Ba Bề vẫn còn giữ nguyên hương vị tôm, quyện với mùi giềng, ớt và các gia vị đặc trưng khác.
Thường thì, người ta chưng tôm chua, cá chua lên với thịt băm và trộn thêm giềng giã nhỏ nhưng nên nhớ rằng, nếu cho nhiều thịt băm và giềng sẽ mất đi hương vị riêng của tôm chua, cá chua vùng hồ Ba Bể. Tôm chua có thể ăn cùng với các loại rau sống, thịt luộc, rau rừng… kích thích vị giác cho người ăn thêm ngon miệng. Khác với tôm chua vùng biển hay xứ Huế với vị ngọt gắt của đường, chua cay nồng nàn của ớt giềng, tôm chua, cá chua vùng hồ Ba Bể cũng vị ngọt, chua, cay nhưng lại tự nhiên, hương vị ngọt dìu dịu, chua thanh, hơi cay cay nhưng lại rất đậm đà, riêng biệt.

Tôm chua, tuyệt vời nhất là ăn kèm với thịt lợn luộc và rau sống.

Hiện nay, cứ 5 ngày có một phiên chợ bày bán tôm chua tại chợ Khang Ninh, trên đường vào hồ Ba Bể. Người ta thường ăn tôm chua với thịt ba chỉ luộc thái mỏng, kèm khế chua, chuối chát, nem thính tai heo,rau sống, rau rừng… Giữa khung cảnh thiên nhiên, non xanh nước biếc của Ba Bể, nhấm miếng tôm chua, uống vài chén rượu, du khách sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của thịt ba chỉ, vị cay nồng, lừng lựng của tỏi ớt, vị thơm của giềng, hòa chung với vị ngọt dịu, thấm đẫm của tôm chua thật vô cùng hấp dẫn.
 Bánh ngải

"Bánh ngải, vừa là đặc sản vừa là thuốc"
Chiếc bánh mà người Tày luôn luôn tự hào bao đời nay, thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất là chiếc bánh màu xanh thẫm, đậm đà hương vị núi rừng, mang theo linh hồn cây lá và màu biêng biếc của sóng nước Ba Bể. Đây cũng là loại bánh được làm từ vị thuốc đông y vô cùng quý, ngải cứu.

 Bánh ngải
Chiếc bánh mang màu xanh biếc này là đặc trưng cho văn hóa người Tày ở Ba Bể, Bắc Cạn.

Làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu và khéo léo từ khâu chọn gạo, đường, rau ngải cho đến khâu giã bánh. Bánh ngải kén gạo vì thế không phải loại gạo bất kỳ nào cũng làm được bánh. Muốn bánh thơm, dẻo phải chọn loại nếp nương và không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Đường để làm nhân bánh cũng phải lựa chọn rất cẩn thận, phải chọn đường phên (một loại đường thỏi, miếng to chừng bàn tay) có màu vàng, ngọt và không có sạn.

Để làm được bánh ngải thơm ngon, người làm bánh phải thật kĩ càng từ khâu chọn nguyên liệu.

Lá ngải được rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, người ta chọn tro sạch, tốt nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần. Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ sơ (gân lá, cuống lá già), vắt kiệt nước rồi nắm thành từng nắm bằng nắm tay.

Lá ngải xanh mơn mởn chính là một nguyên liệu không thể thiếu để tạo ra hương vị và màu sắc chiếc bánh ngải của người Tày.

Gạo làm bánh được ngâm từ tối hôm trước rồi đem đồ chín thành xôi vừa độ dẻo. Trong quá trình đồ, khi lên hơi, người ta thường tưới thêm lần nước để khi giã bánh sẽ dẻo hơn. Trong quá trình chờ xôi chín, người làm bánh sẽ chuẩn bị nhân bánh, người ta đun đường phên lên thành mật sau đó trộn mật với vừng đen rang chín giã nhỏ. Nhân bánh chính là bí quyết tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh.

Xôi đồ chín phải giã ngay lúc còn nóng cùng với những nắm lá ngải để bánh mềm, mịn và dẻo. Sau khi xôi được giã nhuyễn, các bà, các mẹ sẽ nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh. Bánh được nặn thành hình tròn sau đó ấn dẹt ra, cho thìa nhân vào giữa, rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong thành hình như chiếc bánh dày là được. Cố gắng khéo léo để nhân không bị trào ra ngoài vỏ bánh. Mỗi chiếc bánh nóng hổi được đặt trên một khoanh lá chuối tròn nhỏ bằng chiếc bánh để chúng không dính vào nhau. Sau đó gói chung khoảng 10 cái bánh nhỏ vào một lớp lá chuối để giữ bánh được lâu hơn.
 
Để bảo quản những chiếc bánh dẻo ngọt này, người ta thường bao chúng bằng lá chuối.
Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường. Miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng, ăn vào tựa như gói cả mùa xuân trong miệng vậy.

Trên đây mới chỉ là hai trong rất nhiều món ăn ngon, độc đáo của người Tày trên mảnh đất sông núi hữu tình này. Đến đây, quý khách cũng có thể lựa chọn những "thực đơn" hấp dẫn với tôm chua, gà đồi nướng, cá nướng hồ Ba Bể, xôi nếp nương... chắc chắn các du khách phải ghé qua, mua vài thứ quà ngon mà đậm đà chất dân tộc về làm quà. Cùng với dân tộc Tày, những dân tộc ít người sống quanh hồ Ba Bể đang góp phần tạo nên nét văn hóa, nhất là văn hóa ẩm thực sông nước Tây Bắc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét